Chiều 25-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung cải cách tiền lương; phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn...

Đảm bảo tăng lương bao trùm, đồng bộ

Trao đổi với các đại biểu Quốc hội tại tổ về cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, cải cách tiền lương là vấn đề lớn, hệ trọng, liên quan trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Đồng thời liên quan trực tiếp đối với gần chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người có công.

Cùng với đó tác động đến gần 50 triệu đối tượng thực hiện chính sách xã hội và khoảng gần 15.000 lao động trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ về cải cách tiền lương, chiều 25-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Khi thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng nhấn mạnh, phải đảm bảo được việc tăng lương bao trùm, đồng bộ cho tất cả các đối tượng có liên quan.

Đó là tăng lương từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong khu vực công, cũng như khu vực doanh nghiệp và các đối tượng của chính sách xã hội có liên quan.

Đồng thời, thực hiện luôn cải cách tiền lương cho nhóm đối tượng là doanh nghiệp, cụ thể điều chỉnh tăng lương 6% cho doanh nghiệp từ ngày 1-7-2024.

Đối với khu vực công có dành nguồn tiền thưởng 10% lương cơ bản dành cho cơ quan, đơn vị thực hiện việc khen thưởng định kỳ, đột xuất cho cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có những thành tích đột xuất. "Đây là vấn đề rất mới và nguồn kinh phí dành cho việc này rất lớn”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.

Còn thiếu 127.000 tỷ đồng, lấy nguồn tiền từ đâu?

Về tổng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin, phương án ban đầu tính tổng bình quân cho 3 năm (2024-2026) là 786.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, cộng với 10% tiền thưởng của mức lương cơ bản và các chính sách có liên quan, tổng nguồn kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương lên đến 913.000 tỷ đồng.

Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tại tổ chiều 25-6. Ảnh: QUANG PHÚC

“Như vậy kinh phí tăng so với phương án ban đầu đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 là 127.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết và thông tin, trong kỳ họp này sẽ đề xuất bổ sung thêm nguồn kinh phí này để thực hiện cải cách tiền lương cho năm 2024. Sang năm sau, tiếp tục đề xuất điều chỉnh, bổ sung thêm.

Bộ trưởng cũng khẳng định, Chính phủ đảm bảo được nguồn kinh phí cho cải cách chính sách tiền lương. Cụ thể, Chính phủ có tích lũy được 680.000 tỷ đồng và thời gian tới, tiếp tục nỗ lực để có thêm nhiều nguồn thu đảm bảo nguồn tiền cải cách tiền lương.

Bộ trưởng nhìn nhận, trong thời gian tới, nền kinh tế phục hồi sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách; đồng thời phải kìm chế được lạm phát. Chính phủ cũng đã lên các kịch bản rất chi tiết để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kìm chế lạm phát và đồng thời đảm bảo nền kinh tế vĩ mô.

Trước băn khoăn sử dụng hết nguồn tiền tích lũy để cải cách tiền lương trong 3 năm (2024-2026) thì sau năm 2026 lấy nguồn đâu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận giai đoạn sau phải có những giải pháp quyết liệt mới đảm bảo nguồn tiền, trong đó thực hiện tiết kiệm chi, tăng thu ngân sách...

Đồng thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, để tạo cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho giai đoạn sau năm 2026.

Tin liên quan

Từ ngày 1-7-2024: Tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng

VĂN MINH